Hầu hết mọi người đều hiểu ASXH là chương trình của Nhà nước hoặc tổ chức xã hội trợ giúp cho công dân khi người dân không may gặp những rủi ro hoặc khó khăn trong cuộc sống. Điều này đúng như chưa đủ, vậy an sinh xã hội là gì? Tại Việt Nam, chính sách an sinh xã hội bao gồm những gì? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp những thắc mắc liên quan đến các chính sách an sinh xã hội tại nước ta hiện nay. Hãy theo dõi nhé!
An sinh xã hội là gì?
An sinh xã hội là hệ thống chính sách, chương trình của Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội được tạo ra để trợ giúp, hỗ trợ toàn dân gặp phải rủi ro hoặc biến cố trong cuộc sống gây ảnh hưởng tới thu nhập. ASXH đảm bảo mức sống tối thiểu và mang tới đời sống tốt đẹp hơn cho người dân.
Vai trò của an sinh xã hội
ASXH có vai trò rất quan trọng đối với mọi công dân, đặc biệt là những hoàn cảnh khó khăn khi gặp phải những rủi ro hoặc biến cố trong xã hội gây ra các ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống. Dưới đây là những vai trò của an sinh xã hội đối với đời sống của người dân:
Đảm bảo thu nhập tối thiểu
Đảm bảo thu nhập tối thiểu là vai trò cơ bản nhất nhưng cũng là quan trọng nhất của an sinh xã hội. ASXH cung cấp mức thu nhập tối thiểu cho công dân để bảo đảm quyền sống tối thiểu, bao gồm quyền về sức khỏe, giáo dục, ăn và sử dụng một số dịch vụ xã hội cơ bản khác. Đồng thời, ASXH bảo vệ người dân khỏi khó khăn do không có thu nhập tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Phòng ngừa, giảm thiểu và khắc phục rủi ro
An sinh xã hội có vai trò quản lý rủi ro, bao gồm:
- Phòng ngừa rủi ro: Các chính sách an sinh xã hội đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, do đó hỗ trợ người dân ngăn ngừa rủi ro xảy ra trong cuộc sống, sức khỏe, kinh doanh và biến động của môi trường.
- Giảm thiểu rủi ro: Khi không may xảy ra những rủi ro thì an sinh xã hội sẽ bù đắp một khoản thu nhập nhất định giúp giảm thiểu rủi ro trong cuộc sống.
- Khắc phục rủi ro: ASXH hỗ trợ tài chính kịp thời giúp mọi người hạn chế tối đa tác động của các biến cố, rủi ro không may xảy ra trong đời sống, sức khỏe, sản xuất kinh doanh,….
Phân phối thu nhập
Một trong những vai trò quan trọng của an sinh xã hội là đảm bảo thu nhập cho những đối tượng không có khả năng lao động để tạo ra thu nhập. Ví dụ như các chính sách giảm nghèo, trợ giúp xã hội cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương hay trong bảo hiểm xã hội có chế độ “người trẻ đóng – người già hưởng”, trong bảo hiểm y tế là “người khỏe đóng – người ốm hưởng”,… Các chính sách này giúp phân phối lại thu nhập, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước.
Phát triển thị trường lao động
An sinh xã hội có vai trò thúc đẩy tăng cường kỹ năng, tạo cơ hội làm việc cho người lao động:
- Hỗ trợ đào tạo nghề, đặc biệt là người ở khu vực nông thôn, người nghèo,…
- Phát triển dịch vụ việc làm, thị trường lao động.
- Hỗ trợ tạo việc làm cho một nhóm đối tượng người lao động thông qua các chính sách vay vốn tín dụng, chương trình việc làm công,…
- Hỗ trợ việc làm cho người lao động di cư, mất đất, bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế,…
Tăng hiệu quả quản lý xã hội, phát triển đất nước
Xây dựng và thực thi ASXH chất lượng, hiệu quả cao sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý xã hội, thúc đẩy phát triển đất nước:
Tăng hiệu quả quản lý xã hội
Như đã phân tích ở trên, ASXH giúp phân phối thu nhập, phân phối thị trường lao động. Thông qua các chính sách thuế, tạo việc làm,… nhà nước thực hiện điều tiết, quản lý, phân phối thu nhập giữa các nhóm dân cư, các thế hệ, các khu vực kinh tế và vùng kinh tế.
Xóa đói giảm nghèo, giảm chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng
Vai trò cũng là mục tiêu của ASXH là đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho người dân, đồng thời xóa đói giảm nghèo. Thông qua chính sách hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn, đối tượng yếu thế, nhà nước điều chỉnh ngân sách cho các vùng chậm phát triển, vùng nghèo. Từ đó thu hẹp sự chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, giảm bất bình đẳng giữa các nhóm dân cư. Điều này cũng giúp cho nhà nước quản lý xã hội hiệu quả hơn, duy trì ổn định xã hội.
Tăng trưởng kinh tế
Chính sách an sinh xã hội đào tạo nghề, mở ra cơ hội làm việc cho người nghèo, người yếu thế, người lao động mất việc làm,… không chỉ giúp đỡ cho những đối tượng này mà còn giúp tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cho đất nước.
Giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn
Dựa trên vai trò của an sinh xã hội có thể thấy được mục tiêu của an sinh xã hội là nhằm hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người mất việc làm khi gặp khó khăn, rủi ro trong cuộc sống dẫn tới giảm, mất thu nhập hoặc trong trường hợp khủng hoảng kinh tế.
An sinh xã hội gồm những gì?
An sinh xã hội bao gồm 4 trụ cột chính là tạo việc làm, bảo hiểm xã hội, trợ giúp xã hội, dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở,…):
- Đảm đảm việc làm: ASXH tạo việc làm, tạo thu nhập, xóa đói giảm nghèo nhằm hỗ trợ người dân ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trên thị trường lao động thông qua các chính sách đào tạo nghề nghiệp, ưu đãi tín dụng, tạo cơ hội việc làm, tạo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo.
- Bảo hiểm xã hội: Bảo hiểm xã hội là chế độ giúp người tham gia BHXH bù đắp một phần thu nhập bị giảm hoặc mất do ảnh hưởng bởi bệnh nghề nghiệp, ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già, thai sản, tử tuất,…
- Chính sách trợ giúp xã hội: Trợ giúp xã hội giúp hỗ trợ thường xuyên và đột xuất cho người dân khắc phục các rủi ro đột xuất, không lường trước được, ví dụ như mất mùa, khủng hoảng kinh tế, thiên tai,…
- Chính sách dịch vụ xã hội cơ bản: Giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở, thông tin truyền thông, pháp lý,… đảm bảo quyền công dân cơ bản như quyền được học tập, thăm khám sức khỏe, sống trong một xã hội hòa bình, ổn định, bình đẳng.
Gói an sinh xã hội là gì?
Gói an sinh xã hội được hiểu là gói chính sách mà Nhà nước đưa ra giúp hỗ trợ người dân gặp khó khăn về thu nhập như giảm hoặc mất thu nhập do thiên tai, bệnh dịch,… Gói an sinh xã hội thường bao gồm nhu yếu phẩm hoặc tiền trợ cấp cho người dân, đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu.
Điển hình như dịch bệnh COVID-19 vừa qua ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế của cả nước, sức khỏe, tính mạng, việc làm và thu nhập của người dân. Trong những đợt giãn cách, Nhà nước đã có gói an sinh xã hội trợ giúp người dân nghèo, người lao động gặp khó khăn bằng cách hỗ trợ tiền mặt, hỗ trợ nhu yếu phẩm gồm gạo, dầu ăn, nước mắm, thuốc men, sữa, cháo,…
Các chính sách an sinh xã hội hiện nay
Như đã phân tích ở phần trên, mô hình chính sách an sinh xã hội hiện nay gồm 4 trụ cột cột là chính sách đảm bảo việc làm, tạo thu nhập; chính sách bảo hiểm xã hội; chính sách trợ giúp xã hội và chính sách dịch vụ xã hội cơ bản. Bên cạnh đó, chính sách ASXH còn được tiếp cận theo vòng đời của mỗi con người. Cụ thể, có 4 giai đoạn tương ứng với 4 chính sách ASXH đã nêu, đó là:
- Giai đoạn 1: Giai đoạn tuổi trước khi đi học, bao gồm giai đoạn mang thai và thời thơ ấu. Giai đoạn này đòi hỏi chế độ thai sản, trợ cấp trẻ em, trợ cấp tử tuất.
- Giai đoạn 2: Tuổi đến trường. Giai đoạn này đòi hỏi chính sách ASXH trong giáo dục như trợ cấp trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa; hỗ trợ học bổng,…
- Giai đoạn 3: Tuổi thanh niên. Đây là giai đoạn bắt đầu vào thị trường lao động với những rủi ro như ốm đau, tai nạn lao động, thất nghiệp. Do đó đòi hỏi các chính sách tương ứng để hỗ trợ thanh niên.
- Giai đoạn 4: Tuổi lao động. Giai đoạn này yêu cầu hầu hết các chính sách ASXH từ đảm bảo việc làm đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,…
- Giai đoạn 5: Tuổi về hưu. Giai đoạn này đòi hỏi chế độ lương hưu, trợ cấp cho người cao tuổi,…
Quyền lợi an sinh xã hội
An sinh xã hội là quyền lợi của mọi công dân, theo đó, mọi công dân đều có quyền lợi hưởng ASXH bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử, bao gồm quyền tiếp cận lợi ích bằng tiền hoặc hiện vật. ASXH bảo vệ mọi công dân khỏi sự khó khăn, rủi ro trong cuộc sống như:
- Thuế thu nhập do bệnh tật, ốm đau, khuyết tật, tại nạn lao động, thai sản, tuổi già,…
- Không thể chi trả các dịch vụ chăm sóc sức khỏe;
- Không thể hỗ trợ gia đình, đặc biệt đối với trẻ em và người trưởng thành không có khả năng lao động phải sống phụ thuộc.
Như vậy, quyền lợi an sinh xã hội chính là quyền của công dân được hưởng những lợi ích cơ bản như quyền học tập, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, quyền hưởng bảo hiểm khi ốm đau, tai nạn, thai sản, bệnh nghề nghiệp,…
An sinh xã hội là chính sách không thể thiếu mà Nhà nước dành cho mọi công dân. Hy vọng với giải đáp cho câu hỏi an sinh xã hội là gì, đồng thời chia sẻ thông tin về chính sách ASXH trên bài viết hữu ích cho bạn đọc. Nếu còn thắc mắc nào khác về các chế độ an sinh xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp,… thì hãy để lại bình luận hoặc liên hệ chúng tôi để được hỗ trợ nhanh chóng và chính xác nhất.